Bạn có thực sự hiểu rõ khái niệm điểm mạnh điểm yếu chưa? Mình đã từng nhầm lẫn dẫn đến bối rối trong việc xác định. Giờ mọi thứ đã sáng tỏ, bạn hãy sẵn sàng cho một cách tiếp cận hoàn toàn mới nhé!
* Blog này được viết nhằm mục đích đồng cảm cùng bạn trên hành trình thấu hiểu và phát triển bản thân.
Khái niệm cũ về điểm mạnh điểm yếu
Đây có thể là khái niệm về điểm mạnh điểm yếu bạn đã từng biết và tin tưởng: Điểm mạnh là những gì bạn làm tốt, và ngược lại điểm yếu là những gì bạn làm không tốt.
Cách hiểu đó có vẻ hợp lý nhưng nó khiến bạn bối rối. Vấn đề nằm ở chữ “tốt” ấy. Bạn dựa vào thang điểm nào để đánh giá tốt/kém? Thang điểm của nhà trường hay của xã hội?
Khái niệm cũ dễ đẩy chúng ta vào tình huống phụ thuộc những đánh giá của người khác. Việc xác định điểm mạnh điểm yếu nên được thực hiện trong trạng thái càng độc lập càng tốt. Bởi vì nếu chính bạn còn không tự đánh giá được mình, không ai có thể đánh giá đúng về bạn.
Cách xác định điểm mạnh điểm yếu khả thi hơn
Đầu tiên bạn cố gắng nắm bắt và hiểu khái niệm mới này nhé: Điểm mạnh là khi làm nó, bạn cảm thấy năng lượng sẵn sàng và tràn đầy. Điểm yếu là khi làm nó, bạn cảm thấy gượng gạo, mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng.
Như vậy công cụ duy nhất bạn cần sử dụng để xác định điểm mạnh điểm yếu là kỹ năng tự nhận thức bản thân.
Bạn không cần thu thập đánh giá của người khác về việc bạn làm tốt và việc bạn làm không tốt. Bạn chỉ cần tập trung nhận thức trạng thái của bản thân tại thời điểm bạn làm những công việc cụ thể.
Điểm mạnh là khi bạn làm một việc, bạn nhận thấy bản thân ở trạng thái năng lượng tràn đầy, bạn không thấy mình phải gồng lên hay nỗ lực thúc ép bản thân để thực hiện những hành động đó. Bạn có thể cảm thấy đầy phấn khích, hăng hái. Bạn thấy mình có thể tập trung vào hành động đó hàng giờ đồng hồ mà không cảm thấy mệt mỏi hay phân tâm. Việc đó cuốn hút khiến bạn quên đi bản thân, không biết mình đang ở đâu, quên luôn thời gian đang trôi qua.
Ngược lại, điểm yếu là khi bạn vừa làm vừa phải cố gắng gượng, cảm thấy không có hứng thú, không có năng lượng để tiếp tục. Bạn bị phân tâm liên tục. Cho dù về mặt lý trí bạn nghĩ mình “nên làm” nhưng bạn thường trực cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi.
Ví dụ, mình cảm thấy trong cơ thể năng lượng đặc biệt mạnh mẽ và bộ não tập trung cao độ khi mình đọc những chủ đề nhất định. Khi nhận thức được trạng thái đó, mình biết chắc chắn đó là hành động nên đầu tư năng lượng và thời gian.
Mình cũng để ý nhận biết rằng: một số hành động thường nhật trong cuộc sống có vẻ đìu hiu và vắng năng lượng khi mình thực hiện. Nhưng những công việc đó là bắt buộc trong cuộc sống thường ngày. Mình cố gắng hoàn thành nó mà không kỳ vọng gì thêm, cũng ý thức việc rút ngắn thời gian của việc đó, tránh tình trạng cạn kiệt năng lượng.
Điểm mạnh tự nhiên và bẩm sinh trong bạn
Năng lượng tự nhiên trong bạn quyết định điểm mạnh cũng như điểm yếu của bạn. Bạn cần tự nhận biết và sống thuận theo dòng chảy tự nhiên ấy. Áp đặt lý trí hay những đánh giá và kỳ vọng của xã hội sẽ khiến bạn lạc hướng. Để xác định điểm mạnh điểm yếu thực sự, bạn cần hướng vào bên trong cơ thể và nội tâm của mình. Cố gắng xác định trong trạng thái độc lập nhất có thể.
Việc xác định cụ thể mở ra cho bạn khả năng quản lý tốt nguồn lực của bản thân. Nguồn lực ở đây bao gồm tất cả mọi thứ: sức lực, thời gian, sức khoẻ, tài chính… Chúng ta có thể gọi chung tất cả là năng lượng. Việc quản lý năng lượng hiệu quả giúp bạn tập trung và tiến nhanh hơn đến thành công.