Tư duy sáng tạo là tài sản giá trị nhất mà mình có. Mình sử dụng kỹ năng này rất nhiều, đặc biệt là trong công việc hàng ngày. Trong xã hội ngày nay, không gì có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn sự sáng tạo. Vì vậy, phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo chắc chắn sẽ giúp bạn thành công và giàu có hơn.
*Blog này được viết nhằm phục vụ cộng đồng những người hăng hái xây dựng một lối sống tỉnh thức và không ngừng phát triển bản thân. Bạn cũng có thể tham khảo những khóa học phát triển bản thân nếu muốn!
Tư duy sáng tạo là gì?
Tư duy sáng tạo là khả năng đưa ra những đánh giá hoặc giải pháp mới mà không bị giới hạn bởi những cấu trúc sẵn có. Tư duy logic đưa chúng ta từ A đến B rồi đến C. Còn tư duy sáng tạo có thể đưa chúng ta từ A tới Z. Thỉnh thoảng bạn có thể nghe ai đó sử dụng một thuật ngữ khác: “Tư duy trực giác”. Theo góc nhìn của mình, tư duy sáng tạo và tư duy trực giác vốn cùng bản chất. Cách tư duy này không theo lối mòn và không tuyến tính như tư duy logic.
Một hình thức khác của tư duy sáng tạo là tư duy cấu trúc (hay tư duy hệ thống). Với khả năng này, bạn có thể ghép nối các điểm rời rạc thành một bức tranh tổng thể, một quy trình, một hệ thống có cấu trúc rõ ràng. Sản phẩm của tư duy cấu trúc là thứ có giá trị cao, vì nhiều người có thể áp dụng được, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của một tập thể lớn.
Một nhóm 10 người sử dụng lối tư duy logic đều dẫn đến 1 giải pháp chung. Nhưng cũng 10 người ấy sử dụng kỹ năng tư duy sáng tạo, có thể đưa ra 10 giải pháp khác nhau. Bởi vậy các giải pháp sáng tạo thường bất ngờ và hấp dẫn hơn nhiều. Bằng cách sáng tạo chúng ta khiến cuộc sống trở nên sống động và tràn đầy niềm vui hơn.
Ví dụ về tư duy sáng tạo
Trong các cuộc hội thoại bàn giải pháp, mình thường xuyên nói: “Trong đầu tôi đang có 1 ý tưởng….”. Bộ não của mình hoạt động một cách bản năng và tự động sáng tạo ý tưởng.
Những ý tưởng mới chắc chắn là một ví dụ điển hình nhất cho thấy tư duy sáng tạo đang hoạt động. Việc xác định ý tưởng đó có hiệu quả hay không cần thời gian thử nghiệm và đánh giá thực tế. Sự sáng tạo không nhất định phải tạo ra vàng ngay và luôn. Nó chỉ là cách mà não bộ con người phát kiến ra những ý tưởng hoặc giải pháp mới.
Nuôi dưỡng và rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo
Mình thực sự muốn nhấn mạnh khái niệm “nuôi dưỡng tư duy sáng tạo” ở đây. Mình tin rằng tất cả mọi người đều có sẵn tiềm năng sáng tạo trong mình. Dù ít hay nhiều, dù dễ sử dụng hay khó sử dụng hơn. Chắc chắn mọi bộ não con người đều có khả năng sáng tạo!
Đối với một thứ bẩm sinh sẵn có như vậy, chúng cần rất nhiều sự nuôi dưỡng! Đây cũng chính là “bí kíp” mà mình có nhắc tới ở đầu bài viết. Mọi người thường không biết đến điều này và bỏ lỡ một cách đáng tiếc.
Hai yếu tố quan trọng giúp nuôi dưỡng một bộ não sáng tạo: thông tin và không gian.
Thông tin là thức ăn của não bộ. Bạn cần cho não của mình ăn những thông tin ngon lành và giàu dinh dưỡng nhất. Đâu là chủ đề bạn yêu thích? Hãy cho phép não bộ của bạn nạp những thông tin về chủ đề ấy càng nhiều càng tốt. Não bộ mỗi con người có một khẩu vị riêng! Nó cũng có khả năng xử lý tốt nhất những thứ hợp khẩu vị của nó.
Sau khi đã nạp đủ thông tin. Bạn cần tạo không gian. Một khoảng trống. Mình thường sử dụng cách đơn giản nhất là đi dạo nơi nào yên bình, nhiều cây xanh càng tốt. Cho phép bộ não được nghỉ ngơi, để nó được trống rỗng nhất có thể!
Bạn cũng có thể thiền định nếu muốn. Mình rất khuyến khích các bạn rèn luyện thói quen tĩnh lặng mỗi ngày. Thiền định dưới bất cứ hình thức nào đều có tác dụng đặc biệt tốt!
Thông tin giống như những hạt giống bạn gieo. Còn không gian (khoảng trống) giống như một mảnh đất màu mỡ. Ý tưởng và giải pháp sáng tạo sẽ tự nảy nở. Bạn chỉ cần thong thả đón nhận khi chúng xuất hiện mà thôi.
Bạn rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo bằng cách lặp đi lặp lại việc nuôi dưỡng và đón nhận như trên.
Sau tư duy sáng tạo là gì tiếp?
Mình vốn có một thế giới quan khá cởi mở. Những ý tưởng sáng tạo xuất hiện rất nhiều. Nếu bạn cũng giống mình, có lẽ bạn cần rèn luyện thêm đức tính kiên nhẫn nữa!
Một ý tưởng giống như một cái cây non, cần thời gian để trưởng thành. Một ý tưởng nhen nhóm trong đầu, có thể mới chỉ là bắt đầu. Việc nuôi dưỡng cần được tiếp tục để ý tưởng đó thực sự chín muồi. Bạn sẽ biết khi nào ý tưởng đã chín!
Rồi sau đó, việc diễn đạt ý tưởng đó thế nào để người khác có thể hiểu được cũng rất quan trọng. Mình thường gặp khó khăn ở đoạn truyền đạt này nhiều hơn.
Tư duy sáng tạo và truyền đạt luôn phải đi song hành với nhau. Nếu bạn không thể truyền đạt tốt thì một ý tưởng hay giải pháp giá trị nào đó sẽ bị xếp xó. Sẽ rất đáng tiếc. Không ai được hưởng lợi ích từ nó. Và bạn chắc chắn nghèo! =))) Thứ giá trị nhất bạn có lại không trao đổi được với người khác.